Quay lại
Tiếp theo

Thứ hai, 18/04/2022 | 02:59 GMT+7


Những điều cần biết về ngành Quản trị kinh doanh

 Ngành quản trị kinh doanh đào tạo tổng hợp những nhà quản lý, QTKD nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, các kiến thức về chức năng, quá trình kinh doanh và quản trị ở các doanh nghiệp; có kỹ năng cơ bản để vận dụng trong kinh doanh nói chung và thực hành tốt trong một số công việc chuyên môn.

Sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh: phòng kinh doanh, dịch vụ khách hàng,  giao dịch, hành chính nhân sự, makerting, PR hoặc có thể làm giám đốc, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý khách sạn, khu giải trí, nhà hàng; hoặc có thể tham gia mọi loại hình công việc như quản lý sản xuất, bán lẻ, tổ chức cung cấp dịch vụ, bảo hiểm, nghiệp vụ khách sạn, tham gia hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, tự thành lập, tham gia thành lập để làm chủ sở hữu doanh nghiệp, tham gia công tác quản lý nhà nước về các hoạt động kinh tế… Ngoài ra, cử nhân QTKD có thể làm việc tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, liên doanh hoặc các tổ chức hợp tác quốc tế về thương mại.

Ngành quản trị kinh doanh có các chuyên ngành như: quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị chất lượng, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, quản trị chất lượng, marketing, quản trị truyền thông…

* Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh & Marketing.
* Các nhà quản lý hệ thống thông tin
* Những ngành nghề dễ tìm việc và có giá trong tương lai.

- Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị dịch vụ, quản trị nhân sự… có thể làm công tác quản lý doanh nghiệp ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ; tổ chức và quản lý các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể thao.

 - Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị du lịch có khả năng điều hành một cơ sở kinh doanh du lịch, lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị du lịch hoặc làm cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch…

 - Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị chất lượng có thể lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng, xác định chính sách chất lượng cho công ty, góp phần tạo ra những sản phẩm phù hợp thị trường với chi phí thấp nhất…

- Ngoài ra, Quản trị truyền thông là một chuyên ngành khá mới, đào tạo các kiến thức cơ bản quản trị doanh nghiệp và các kiến thức kỹ năng về quản trị truyền thông trong doanh nghiệp. Chẳng hạn như tổ chức và thực hiện các đợt quảng cáo, khuyến mãi; tổ chức các sự kiện, xử lý thông tin, thiết lập quan hệ với khách hàng...

Nhà quản trị kinh doanh là người có năng lực truyền đạt, điều hành, hoạch định kế hoạch và quản lý. Lãnh đạo trực tiếp của các nhà quản trị kinh doanh là giám đốc doanh nghiệp và thuộc cấp của họ là các nhân viên kinh doanh. Vì thế, họ vừa là cánh tay phải của ông chủ doanh nghiệp vừa là người bạn tri tâm của các nhân viên.


Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh trong Lễ tốt nghiệp

Trách nhiệm của nhà quản lý kinh doanh

- Xác định kế hoạch kinh doanh, mục tiêu kinh doanh

- Hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và doanh thu mà công ty đề ra

- Phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp, xác định sản phẩm cần tiêu thụ và sách lược tiêu thụ sản phẩm.

- Quản lý và bồi dưỡng các nhân viên dưới quyền. Xác định, sắp xếp, giám sát các chế độ có liên quan.

- Tổ chức các cuộc họp định kỳ để truyền đạt, sắp xếp các nhiệm vụ công việc đến các nhân viên dưới quyền. Động viên tinh thần làm việc của nhân viên, giúp nhân viên vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt công việc.

Quản trị kinh doanh cần có các năng lực gì?

Một nhà quản trị kinh doanh tốt cần có những năng lực sau:

- Năng lực khống chế, điều phối sản phẩm và thị trường

- Năng lực bồi dưỡng, quản lý thuộc cấp

- Năng lực phối hợp, giao tiếp với chủ công ty, nhân viên dưới quyền và khách hàng

- Năng lực chấp hành, chỉ huy công việc; tích cực học tập cầu tiến

- Đạo đức nghề nghiệp tốt.

Tố chất của nhà quản trị:

Để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ và hợp tác tốt với chủ doanh nghiệp, các nhà quản trị kinh doanh cần có những tố chất sau:

- Hiểu ý lãnh đạo doanh nghiệp: Là người gần chủ doanh nghiệp nhất, nhà quản trị kinh doanh cần phải hiểu ý của cấp trên.

- Khả năng truyền đạt tốt: Nhà quản lý kinh doanh không phải là cái loa chỉ biết lặp lại những gì ông chủ nói. Họ phải biết cách biểu đạt và diễn giải một số điều mà chủ doanh nghiệp không thể trực tiếp nói ra.

- Năng lực cao, sắp xếp công việc thỏa đáng: Cán bộ quản trị kinh doanh giỏi cần có năng lực làm việc cao, hoàn thành tốt công việc được giao, đề ra mục tiêu cụ thể. Đồng thời, họ phải sắp xếp nhân sự một cách hợp lý, xử lý công việc có đầu có cuối.

- Báo cáo kịp thời: Các nhà quản trị kinh doanh phải vừa giỏi kinh doanh, vừa giỏi quản lý; phải nắm bắt được diễn biến tình hình và kịp thời phản ánh, báo cáo cho chủ doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những điều chỉnh về phương hướng phát triển, sách lược, kế hoạch phát triển của công ty đồng thời ổn định tâm lý của nhân viên trong các trường hợp cần thiết.

Ngành Quản trị Kinh doanh - một trong những ngành thu hút thí sinh đăng ký đông nhất (theo thống kê được đăng tải trên báo chí), ra trường dễ kiếm việc – và việc đào tạo ngành này có hầu hết tại các trường ĐH, các Viện kinh tế trên cả nước và kiến thức đào tạo của ngành cũng đáp ứng đa dạng vào các hoạt động kinh tế, mà chủ thể là các doanh nghiệp. Do đó SV tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh có thể vận dụng kiến thức của mình để đảm nhận hầu hết các công việc liên quan đến quản lý thuộc các lãnh vực thương mại, sản xuất, dịch vụ, xây dựng… Thị trường lao động luôn luôn dành cho SV tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh những vị trí thích hợp.


Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại một lớp học ngoại ngữ chuyên ngành

Lựa chọn giữa Quản trị kinh doanh tổng hợp và Kinh doanh quốc tế?

Quản trị kinh doanh là một ngành rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường lao động. Ngành quản trị kinh doanh hiện nay phát triển mạnh mẽ và bao gốm nhiều chuyên ngành khác nhau được đào tạo ở nhiều trường tùy theo thế mạnh, đặc điểm, chiến lược của mỗi trường.

Về cơ bản, 2 chuyên ngành này thuộc một ngành là ngành Quản trị kinh doanh.

* Giống nhau:

Tất cả sinh viên học các ngành Quản trị kinh doanh đều trang bị các kiến thức về Kinh tế, Quản trị kinh doanh giống nhau.

* Khác nhau:

Khoảng 20--30% là khác nhau giữa 2 chuyên ngành này để định hướng chuyên sâu vào mỗi chuyên ngành cụ thể.

Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp khi tốt nghiệp có thể  làm việc trong các các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trong xã hội như: phòng kinh doanh/dịch vụ khách hàng/giao dịch/hành chính nhân sự/makerting/PR hoặc có thể làm  trợ lý giám đốc, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý khách sạn, khu giải trí, nhà hàng, hoặc có thể tham gia mọi loại hình công việc như quản lý sản xuất, bán lẻ, tổ chức cung cấp dịch vụ, bảo hiểm, nghiệp vụ khách sạn, tham gia hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, tự thành lập, tham gia thành lập để làm chủ sở hữu doanh nghiệp, tham gia công tác quản lý nhà nước về các hoạt động kinh tế,...

Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế khi tốt nghiệp có thể làm việc cho các  cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, phòng kinh doanh xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp kinh doanh XNK, các công ty liên doanh, các khu chế xuất, khu công nghệ cao, các tổ chức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại, hoặc có thể nghiên cứu thị trường ở nước ngoài; có thể đảm nhiệm vai trò trợ lý văn phòng hoặc trợ lý kinh doanh trong các doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc công ty Việt Nam ở nước ngoài, giảng dạy kinh tế đối ngoại/thương mại quốc tế ở các trường ĐH, CĐ hoặc có thể tự tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu.

Cơ hội việc làm phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản: Nhu cầu thị trường lao động, thương hiệu cơ sở đào tạo, năng lực nghề nghiệp của bạn - yếu tố này là quan trọng nhất. Hiện nay  2 chuyên ngành này thị trường lao động đang có nhu cầu cao nhưng đòi hỏi năng lực nghề nghiệp của ứng viên phải tốt.


Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại lễ tốt nghiệp năm 2020

CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

- Hiểu và vận dụng được những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam để hình thành nhân cách, quan điểm, lý tưởng cuộc sống, ý thức phục vụ nhân dân và phấn đấu, vươn lên trong nghề nghiệp;

- Có kiến thức cơ bản về giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, để rèn luyện sức khỏe, ý thức quốc phòng toàn dân và trách nhiệm bảo vệ tổ quốc;

- Hiểu, giải thích, vận dụng được những kiến thức cơ bản về pháp luật đại cương; bản chất Nhà nước và pháp luật, luật kinh tế làm cơ cở cho việc  hình thành ý thức pháp luật, chấp hành pháp luật trong cuộc sống và công việc;

- Có kiến thức khoa học xã hội, khoa học tự nhiên phù hợp với chuyên ngành đào tạo

- Ứng dụng những vấn đề cơ bản về kinh tế vi mô, toán cao cấp, toán kinh tế vào các môn chuyên ngành.

- Ứng dụng những vấn đề cơ bản về, nguyên lý thống kê, nguyên lý kế toán kinh tế, quản trị học, marketing căn bản…vào các môn chuyên ngành.

- Đạt trình độ tiếng Anh TOEIC 300 (chứng chỉ quốc tế) hoặc tương đương TOEIC 300 theo chương trình đào tạo tiếng Anh của Trường.

- Đạt trình độ tin học ứng dụng tương đương A.

Những đảm bảo cho các cam kết này:

- Sinh viên được trang bị kiến thức về những môn học có liên quan như: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Pháp luật đại cương, Pháp luật kinh tế, Nghiệp vụ hành chính văn phòng, Toán cao cấp, Toán kinh tế, Kinh tế vi mô, Quản trị học, Marketing căn bản, Nguyên lý thống kê, Nguyên lý kế toán, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng…

- Người học được cung cấp đề cương môn học,tài liệu học tập. 

- Các môn học được tổ chức giảng dạy bằng các phương pháp lấy người học làm trung tâm, thông qua nhiều hình thức giảng dạy khác nhau: thuyết giảng, tổ chức cho sinh viên thuyết trình, thảo luận, làm các bài tập tình huống, bài tập nhóm… 

- Các môn học được tổ chức đánh giá trong quá trình một cách khách quan dưới nhiều hình thức như: đánh giá qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm, bài tập tình huống, bài kiểm tra giữa quá trình, bài thi kết thúc môn học.

 Kiến thức chuyên ngành:

Hoàn thành việc nghiên cứu phần kiến thức chuyên ngành, sinh viên sẽ có khả năng thực hiện các công việc của một tác nghiệp viên quản trị kinh doanh. Cụ thể:

- Thực hiện được những công việc cơ bản về xây dựng và quản trị chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp như: thu thập thông tin, tham gia phân tích môi trường kinh doanh và kiểm soát quá trình thực hiện chiến lược.

- Thực hiện được những công việc cơ bản về đàm phán, thương lượng trong kinh doanh.
- Giải thích và thực hành được những công việc cơ bản về quản trị đối với các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: nguồn nhân lực, sản xuất và tác nghiệp, tài chính doanh nghiệp, chất lượng, marketing, dự án đầu tư…

Những đảm bảo cho các cam kết này:

- Sinh viên được trang bị kiến thức những môn học có liên quan như: Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị sản xuất, Quản trị Marketing, Quản trị tài chính, Quản trị chất lượng, Thẩm định dự án đầu tư, Quản trị dự án đầu tư, Đàm phán trong kinh doanh…

- Các môn học được tổ chức giảng dạy bằng nhiều phương pháp, kết hợp với bài giảng, giáo trình, tài liệu chuyên môn phù hợp với bậc cao đẳng, thông qua nhiều hình thức giảng dạy khác nhau: thuyết giảng, tổ chức cho Sinh viên thuyết trình, thảo luận, làm các bài tập tình huống, bài tập nhóm… 

- Các môn học được tổ chức đánh giá gồm nhiều hình thức như: đánh giá qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm, bài tập tình huống, bài kiểm tra giữa quá trình, bài thi kết thúc môn học.
- Tổ chức cho sinh viên kiến tập, thực tập ở các doanh nghiệp về hoạt động quản trị (có bản thu hoạch, báo cáo thực tập).

- Chương trình giảng dạy tiếng Anh phục vụ cho việc giao tiếp tiếng Anh 
thông thường.

- Chương trình giảng dạy tin học căn bản và tin học ứng dụng đáp ứng yêu cầu sử dụng tương đối thành thạo tin học vào công việc chuyên môn.