Quay lại
Tiếp theo

Thứ hai, 04/06/2018 | 04:44 GMT+7


[Nghiên cứu] Đào tạo cử nhân từ xa NEU - EDUTOP gắn với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp tại Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ 4.0

PGS.TS. Tạ Lợi
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


Tóm tắt

Đào tạo từ xa bậc cử nhân thường gắn với đào tạo nghề nên xu thế cần gắn kết với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp. Hằng năm, các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trong đào tạo nhằm nâng cao năng lực làm việc của người lao động. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa chương trình đào tạo từ xa bậc cử nhân với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp dường như chưa đáp ứng hết tiềm năng của cả chương trình và doanh nghiệp. Mặt khác, các trường đại học trên thế giới thường tổ chức đào tạo theo từ xa gắn với các cơ sở hạ tầng và kho dữ liệu tư hiệu học khổng lồ. Giáo dục từ xa kết hợp với phương thức điện tử nhằm phát huy các lợi thế đó gọi là E-Learning. Vì vậy thực chất E-Learning là xu hướng phát triển của đào tạo từ xa của thế kỷ công nghệ điện tử trong thế kỷ 21. Đặc biệt ở Mỹ và một số các quốc gia châu Âu đều hướng đến việc phát triển không gian và thời gian học cho đối tượng học viên thông qua phương thức E-Learning. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục có những đặc thù đòi hỏi việc tổ chức quản lý và cơ cấu khác với các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh khác. Sản phẩm giáo dục là “kiến thức” nên đòi hỏi phải có chuyên môn sâu và cách thức truyền đạt hợp lý. Do đó, trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 vấn đề đào tạo từ xa bậc cử nhân gắn với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp càng trở thành xu thế tất yếu cần được phối kết hợp có hiệu quả cao nhất.

1. Thực trạng đào tạo từ xa và nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp Việt Nam

Đào tạo từ xa được biết đến từ những năm 1800 của thế kỷ 19, ban đầu ý tưởng của Sir Issac Pitman. Anh quốc là quốc gia đầu tiên tiến hành đào tạo từ xa cho những vùng lãnh thổ xa xôi của họ, sau này Đức và Nhật cũng vận dụng để phổ quát các vùng xa xôi ít có điều kiện học hành như ở những vùng trung tâm đất nước. Tuy nhiên, Mỹ lại là quốc gia phát triển hình thức đào tạo từ xa rất mạnh do vùng lãnh thổ rộng lớn và các bang nước Mỹ trải rộng ở cả khu vực Alaska. Do đặc thù đào tạo từ xa cần có trang thiết bị đầu cuối nên đến gần đây phương thức đào tạo này càng trở lên phổ biến và phát triển mạnh. Từ khi phát minh ra đài radio, tivi, băng đĩa thì mới có điều kiện tốt nhất cho việc học tập từ xa. Đến nay, việc học từ xa còn có thể phân hóa thành loại hình học online hay offline với sự phát triển của mạng Internet.

Ưu điểm của phương thức đào tạo từ xa là sự linh hoạt, cho phép tính tự học và độc lập cao, vừa kết hợp học và làm việc, không mất thời gian đi lại, học mọi lúc mọi nơi, giảm chi phí học tập… Đào tạo từ xa bậc cử nhân gắn với đào tạo nghề nên phần lớn các học viên tham gia học từ xa là các cán bộ, nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm sao gắn kết đào tạo từ xa với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp luôn là mục tiêu của các chương trình đào tạo cử nhân từ xa trên thế giới. Ở Việt Nam đã phát triển hình thức đào tạo từ xa vào những năm gần đây và chương trình liên kết Neu-Edutop giữa công ty Edutop và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong các chương trình đào tạo từ xa ra đời khá sớm. Chương trình liên kết đào tạo trên có những ưu điểm nổi bật sau:

Công ty Edutop (Edutop) là công ty có thế mạnh chuyên sâu về công nghệ và quản trị đào tạo từ xa nên kết hợp với các ngành đào tạo có sức hút cao bậc cử nhân của Trường Kinh tế Quốc dân nên có hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp tương lai cho các doanh nghiệp.

Đội ngũ các cựu sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dưới giác độ cả người sử dụng và người lao động khá đông đảo và có tiềm năng lớn nên việc gắn kết chương trình đào tạo từ xa bậc cử nhân với nhu cầu doanh nghiệp có tính khả thi cao.

Cách thức quản lý đào tạo khá chặt chẽ giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Neu) và công ty Edutop (Edutop) bằng các hợp đồng kinh tế giữa các bên tham gia. Hợp đồng triển khai cho từng môn học và chuyên ngành có nhu cầu từ những khảo sát của Edutop. Các khảo sát được thu thập trực tiếp nên có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, phần lớn là từ phía người học nên nhu cầu của các doanh nghiệp cũng phản ánh được một phần trong khảo sát.

Cách tổ chức thực hiện khá bài bản theo các mô hình đào tạo E-Learning quốc tế. Các trang thiết bị và cơ sở vật chất khá đầy đủ cho đào tạo E-Learning. Việc vận dụng đào tạo từ xa bậc cử nhân Neu-Edutop thực chất cũng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp về loa động có chuyên môn về những nghề quản trị kinh doanh, kế toán, kinh doanh thương mại…

Trong chương trình truyền thống chỉ có giảng viên chuyên môn thì phương thức đào tạo E-Learning sẽ giảm nhẹ nhiệm vụ giảng dạy cho giảng viên chuyên môn do có sự trợ giúp từ giảng viên doanh nghiệp. Giảng viên doanh nghiệp cũng giúp cho chương trình đào tạo từ xa gắn kết hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiệm vụ giảng viên chuyên môn khá vất vả khi thực hiện thiết kế và soạn bài giảng với 12 đầu mục việc lớn và 28 đầu mục việc nhỏ… Trong khi đó, khi tham gia giảng dạy giảng viên chuyên môn chỉ thực hiện 3 công việc chính: truy cập 3 lần/tuần; nhận xét và hướng dẫn, trả lời khi có câu hỏi; tuyên dương và nhận xét.

Tuy nhiên, chương trình liên kết đào tạo từ xa bậc cử nhân mới dựa trên những chuyên ngành đang đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp để xác định chuyên ngành đào tạo và đặc biệt các nhu cầu đào tạo nghề thực tế còn chưa nhiều. Công ty Edutop còn có nhiều chương trình liên kết với các trường khác nhằm khai thác thế mạnh của các trường đối tác. Vì vậy, các chương trình hợp tác Neu-dutop mới dừng lại ở các chuyên ngành thế mạnh của Trường Kinh tế quốc dân mà chưa xuất phát từ nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp.

Xem xét từ nhu cầu và chi phí đào tạo của các doanh nghiệp trên cả nước cho thấy như sau: 

 
Hình 1. Kinh phí tuyển dụng và đào tạo của các doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: PCI của VCCI năm 2015

Như vậy cho thấy tỷ lệ kinh phí giành cho tuyển dụng tương đương với kinh phí đào tạo nghề và quản lý từ 4,1% đến 4,6%. Mức so sánh với các quốc gia phát triển dành cho đào tạo thường chiếm 20%-30% nhằm nâng cao năng lực làm việc của nhân viên thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chú trọng vào công tác đào tạo nghề khi sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp lại khá lớn. Số liệu điều tra của VCCI về tỷ lệ người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề và hoàn thành khóa học nghề trong các năm như sau:

 

Hình 2. Tỷ lệ lao động tốt nghiệp hoặc hoàn thành khóa học nghề ở các doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: PCI của VCCI năm 2013, 2014, 2015 và 2016.

Như vậy, nhu cầu học nghề hoặc học các khóa học kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp là khá lớn. Khoảng trên dưới 40% số lao động được điều tra có nhu cầu đào tạo nghề hoặc kỹ năng nghề nghiệp mặc dù họ rất bận rộn với công việc thường ngày.

Có thể thấy việc học tập của người lao động và kinh phí doanh nghiệp đang chi ra cho công tác đào tạo là nhu cầu tất yếu nhằm nâng cao năng lực làm việc của người lao động nhưng họ bị hạn chế về không gian và thời gian tham gia học tập. Vì vậy, đào tạo từ xa gắn với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp sẽ nâng cao tính hiệu quả của công tác đào tào của các chương trình đào tạo từ xa đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đào tạo khi có được những lao động làm việc đúng nghề và có chuyên môn cao.

Một số xu hướng đào tạo từ xa bậc cử nhân gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0.

Nhiều xu hướng trong giáo dục đại học sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đào tạo từ xa. Nhiều nghề phát triển mạnh mẽ hơn nhờ đào tạo từ xa, kho kiến thức khổng lồ qua mạng sẽ giúp người học tiếp cận nhiều thông tin hơn. Cách thức tổ chức giáo dục đại học đang thay đổi để nhấn mạnh trách nhiệm học tập, kết quả năng lực người học, nội dung tiêu chuẩn hóa và thích ứng với người học nhiều hơn. Mạng Internet và các công cụ tìm kiếm, công nghệ thông tin đầu cuối đang trở nên phổ biến hơn nên việc tiếp cận với kho kiến thức dễ dàng hơn. Các loại hình giáo dục từ xa đang trở thành phong phú hơn, tiện lợi hơn. Khi tận dụng những tiến bộ công nghệ về điện tử tin học nhằm tăng hiệu quả giáo dục sẽ tiếp tục mở ra cơ hội mới cho giáo dục.

Theo tư liệu tìm hiểu hơn 30 chương trình đào tạo E-Learning và từ xa trên thế giới cho thấy xu hướng đào tạo từ xa có những nét nổi bật sau đây:

Các chương trình giảng dạy E-Learning và từ xa thường gắn với các cơ sở hạ tầng giáo dục điện tử vào các giảng dạy về tài chính, marketing, kế toán, quản trị kinh doanh… là những nghề có nhu cầu cao tại các doanh nghiệp tăng khoảng 16% hằng năm. Như trường California state university, Trường Bekerly UC, Fulerton UC (Mỹ), Liverpool University (Anh)… phát triển dựa trên cơ sở mạng điện tử được đầu tư rất lớn. Hạ tầng cơ sở điện tử có đủ khả năng cho hàng triệu người truy cập cùng lúc để học, đọc sách, đăng ký… Đào tạo từ xa giúp cho người học tiết kiệm thời gian và chi phí học tập.

Các trường đại học triển khai chương trình đào tạo từ xa coi bậc đào tạo cử nhân là đào tạo nghề nên thường dựa vào nhu cầu doanh nghiệp và lấy kỹ năng và kiến thức nghề làm trọng nên chương trình đào tạo không có sự khác biệt với truyền thống. Thậm chí, học theo chương trình cử nhân từ xa phải làm nhiều bài tập và đọc trên mạng nhiều hơn so với đào tạo truyền thống nhằm tăng tính tương tác giữa người học và chương trình, giảng viên.
Xu hướng đào tạo từ xa theo hướng kết hợp với sự phát triển của các nghề liên quan tới công nghệ mạng như Internet, sách điện tử, smart phone… đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, đào tạo từ xa qua hệ thống điện tử (E-Learning) là xu thế tất yếu của cách mạng công nghệ 4.0 và có tầm quan trọng đặc biệt với các doanh nghiệp.

Xu hướng đào tạo từ xa tiếp cận tốt hơn với vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người già, cân bằng giới tính… gia tăng nhanh chóng. Mọi người có thể tự học và tham gia mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Xu hướng tỷ lệ người học là nữ giới, dân tộc ít người và người lớn tuổi sẽ gia tăng nhanh. Ở Mỹ, lứa tuổi tham gia trên 25 tuổi chiếm 42,5%, người gốc Phi, châu Á chiếm hơn 50% sĩ số học viên.

Xu hướng đào tạo E-Learning sẽ biến các giảng viên thành các chuyên gia chuyên môn nhiều hơn. Các công việc và nhu cầu đào tạo từ xa thường xuất phát từ yêu cầu công việc thực tế. Việc chuyên môn hóa đòi hỏi các câu trả lời và khối lượng kiến thức phải đa dạng hơn. Người học có thể xem xét và so sánh với khối lượng kiến thức khổng lồ qua mạng tìm kiếm vì thế giảng viên cũng phải liên tục cập nhật và trở thành các chuyên gia chuyên môn sâu nhiều hơn là cắt nghĩa và diễn giải.

Xu hướng người học là trung tâm, mà người học luôn gắn với đồi hỏi từ doanh nghiệp sẽ phải tự định hướng nên việc quản lý cũng là một thách thức lớn nếu không đủ các công nghệ quản lý và cơ sở hạ tầng điện tử đủ mạnh. Người học được quyền tự do truy cập, đọc và đăng ký… theo thời gian của học nên đòi hỏi có các kế hoạch nghiêm ngặt. Các nơi quản lý và lập kế hoạch thường phải làm sớm và công khai trên mạng cho người học biết và tự quản lý thời gian cá nhân của mình. Người học phải gia tăng trách nhiệm cá nhân của mình nhiều hơn.

Xu hướng liên thông trong đào tạo từ xa khá cao và có thể kết nối giữa các trường học, các hệ đào tạo, các chương trình với nhau. Khoảng cách và tính chất địa phương sẽ bị xóa nhòa khi theo học hệ từ xa. Các nước phát triển có xu hướng chuyển dịch từ theo học địa phương với theo học hệ từ xa của các trường đại học danh tiếng khoảng 33% (switching rate). Kiến thức được truyền bá nhành như tốc độ của Internet và ngoài người “Thày thực” còn có Thày “google, bing…” nên người học sẽ có nhiều có hội sàng lọc kiến thức cần thiết hơn.

2. Một vài ý kiến gợi ý gắn kết chương trình đào tạo Neu-Edutop với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0

Một là: Cần thiết phải hay đổi cách thức hợp tác của chương trình Neu-Edutop giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Công ty Edutop. Nên xuất phát từ khảo sát nhu cầu xã hội và của doanh nghiệp để xây dựng các chương trình học từ xa nhằm giúp cho người học và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Hai là: Thay đổi cách thức phối hợp sang phương thức đặt hàng theo nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp. Các chuyên ngành đào tạo hoặc lớp học chuyên môn phải phát triển theo các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp theo khóa học. Luôn lấy chất lượng chuyên môn làm trọng, đây là yêu cầu quan trọng nhất nếu triển khai đào tạo theo phương thức E-Learning. Bộ môn là đơn vị quản lý chuyên môn sâu cho từng chuyên ngành hẹp. Những chuyên ngành này cần có những nhà khoa học đầu ngành có uy tín cao trong cả hệ thống các trường cùng chuyên ngành.

Ba là: Nhằm tăng tính gắn kết giữa chương trình đào tạo từ xa Neu-Edutop với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp, Trường kinh tế quốc dân nên làm đầu mối gắn kết giữa Hội cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với các chương trình đào tạo từ xa nhằm khai thác sự ủng hộ của các cựu sinh viên đang là các cán bộ lãnh đạo ở các doanh nghiệp và có những nhu cầu đào tạo thực tế cho người lao động ở doanh nghiệp của mình.

Bốn là: Các giảng viên tham gia giảng dạy cũng cần có sàng lọc và có lớp đào tạo theo hướng trở thành các chuyên gia. Việc lựa chọn các giảng viên doanh nghiệp rất cần phải đúng chuyên môn và đang làm công việc tương đồng. Tổ chức các lớp tập huấn và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy theo phương thức E-Learning thường xuyên hơn. Cách thức khuyến khích và khiêu khích học viên tham gia học tập cần nâng cao hơn là cách thức giảng giải cắt nghĩa. Thuật phản biện và định hướng cũng nên được quan tâm hơn.

Năm là: Phải xây dựng được kho dữ liệu, thư viện điện tử đủ lớn để đảm bảo tính tương tác với người học lớn hơn so với học truyền thống. Người học đã ở xa thì càng cần phải tương tác nhiều hơn mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Không nên quan niệm là từ xa thì phải giảm chất lượng đào tạo sẽ là sai lầm lớn như các hệ đào tạo VLVH và VB2…

Những kiến nghị trên với mong muốn gắn kết chương trình đào tạo bậc cử nhân theo phương thức E-Learning của Neu-Edutop với nhu cầu của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, không phải tất cả các giải pháp trên có thể thực hiện ngay mà cần có sự trao đổi và kiểm chứng bằng các đề án thí điểm. Mặc dù vậy, dưới giác độ tham luận tại hội thảo khoa học nên xin mạnh dạn đưa ra các ý kiến mang tính cá nhân với mong muốn chương trình liên kết đào tạo E-Learning của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Edutop tiếp tục được cải cách và phát triển theo đúng các mục tiêu đặt ra.
 

Danh mục tài liệu tham khảo: 
Green, K. C. (2002). Campus Computing 2002: The 13th national survey of computing and information technology in American higher education. Encino, CA: Campus Computing, 2002.

Hawkins, B. (2003) Distributed learning: Promises and pitfalls. 2003 UCEA 88th Annual Conference: March 28-30, 2003—Chicago, Illinois.

Hickman, C. J. (2003, March 29). Results of survey regarding distance education offerings. University Continuing Education Association (UCEA) Distance Learning Community of Practice, Research committee report.

Johnstone, S.M., Ewell, P., & Paulson, K. (2002) Student learning as academic currency. ACE Center for Policy Analysis. Retrieved June, 2003: http://www.acenet.edu/bookstore/pdf/distributed-learning/distributed-learning-04.pdf

Jones, D. R., & Pritchard, A. L. (2000, November/December). The distance education debate: An Australian view. Change. 32-33.

Kariya, S. (2003) Online education expands and evolves. IEEE Spectrum. 40(5): 49-51.

Markel, M. (1999) Distance education and the myth of the new pedagogy. Journal of Business and Technical Communication. 13(2): 208-222.

Carol L. Colbeck (1998), “Merging in a Seamless Blend: How Faculty Integrate Teaching and Research” The Journal of Higher Education, Vol. 69, No. 6 (Nov. - Dec., 1998), pp. 647-671 Published by: Ohio State University Press.

Clark,  Burton.R  (1998),  “Creating  Entrepreneurial  Universities:  Organizational

Pathways of Transformation” Elsevier Science Regional Sales, 665 Avenue of the Americas, New York, NY10010Mahidol_University (2013),“Mahidol_University history”.

Scott L. Howell, PhD, Brigham Young University, Peter B. Williams, M.S., Brigham Young University, Nathan K. Lindsay, M.S.,University of Michigan, “Thirty-two Trends Affecting Distance Education: An Informed Foundation for Strategic Planning” 2013.