Quay lại
Tiếp theo

Thứ sáu, 22/04/2022 | 09:01 GMT+7


Chính thức công bố lịch thi tốt nghiệp năm 2022

Ngày 19/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành công văn số 1523/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GDĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Quy chế thi).

Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 7, 8/7/2022. Cụ thể: Sáng 7/7, thí sinh dự thi môn Ngữ Văn; chiều 7/7, thí sinh dự thi môn Toán; sáng 8/7, thí sinh dự thi bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội; chiều 8/7, thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ. Chiều 6/7, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Ngày 9/7 là ngày thi dự phòng.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, đề các môn khác dưới dạng trắc nghiệm.

Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ ba bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi hai bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.

Công văn của Bộ GDĐT cũng cho biết, trong trường hợp phải tổ chức thêm đợt thi của Kỳ thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn riêng.

Năm 2022, tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy thí sinh không còn đăng ký dự thi trên giấy như mọi năm.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở giáo dục và đào tạo để nhập dữ liệu lên hệ thống".

Năm nay, tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng ký ở các trường dù bất kỳ phương thức nào cũng đăng ký trên hệ thống. Sau khi có kết quả thi THPT, các trường phải đẩy dữ liệu lên hệ thống chung để lọc ảo.

Toàn bộ việc xét tuyển độc lập của các trường đều đẩy lên hệ thống để Bộ lọc ảo chung. Tất cả nguyện vọng của thí sinh được sắp xếp thứ tự từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Khi lọc ảo, thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất ở tất cả nguyện vọng, ở tất cả các trường. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trong quy chế quy định tất cả các trường khi điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau phải có lộ trình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh mỗi năm. Kết quả kỳ thi chủ yếu được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bên cạnh nhiều phương thức khác, hầu hết đại học, cao đẳng sử dụng điểm kỳ thi này như phương thức chính để xét tuyển đầu vào.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT)