Quay lại
Tiếp theo

Thứ hai, 11/09/2023 | 02:21 GMT+7


Gợi ý xây dựng phương pháp học học tập ở bậc đại học cho sinh viên

 Gợi ý xây dựng phương pháp học học tập ở bậc đại học cho sinh viên

TS. Nguyễn Thái Sơn,

Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng ĐT và QLSV

        Phương pháp là cách thức con người dùng để đạt được mục đích đã đề ra. Phương pháp học đại học là cách thức sinh viên sử dụng để học trên lớp và tự học có kết quả tốt. Phương pháp học trên lớp giúp sinh viên tiếp thu kiến thức căn bản nhất của giờ giảng, buổi giảng và con đường tìm kiếm tri thức mới; còn phương pháp tự học chủ yếu giúp nâng cao khả năng độc lập trong quá trình tiếp nhận kiến thức trên lớp và tiếp cận tri thức mới ngoài trường. Có phương pháp học tập phù hợp sẽ là nền tảng để sinh viên tự tin và vững vàng trong quá trình học đại học. Các gợi ý dưới đây sẽ giúp sinh viên lựa chọn và xây dựng phương pháp học đại học phù hợp nhất cho mình ngay từ học kỳ I năm thứ nhất.

1. Tại sao phải xây dựng phương pháp học tập ở bậc đại học?

        Kiến thức và truyền đạt kiến thức ở bậc đại học nhiều hơn và khác hơn bậc THPT. Một chương trình đào tạo cử nhân có tối thiểu 120 tín chỉ (01 tín chỉ = 15 tiết nghe giảng, 15 tiết chuẩn bị bài trước khi nghe giảng và 15 tiết ôn tập kiến thức đã nghe giảng trên lớp), khoảng trên dưới 50 học phần (môn học) chia cho các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành và khối kiến thức tốt nghiệp. Mỗi buổi học ở bậc đại học thường bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ hoặc từ 12 giờ. Một buổi học trên lớp có 4 - 5 tiết, mỗi tiết có 50 phút giảng và 10 phút nghỉ. Điều này đòi hỏi sinh viên tự lên kế hoạch cho sinh hoạt và phương pháp học tập phù hợp để có đủ kiến thức kịp thời gian ra trường hoặc ra trường sớm.

        Giảng viên đại học khác giáo viên bậc THPT ở chỗ, họ lên lớp để vừa truyền đạt tri thức khoa học, vừa khơi gợi tri thức mới nên ở bậc học này, sinh viên phải vửa tiếp thu vừa tự tìm hiểu kiến thức và giải đáp thắc mắc của mình nên tự học là yếu tố quan trọng cho dù có cố vấn học tập giúp đỡ. Giảng viên không có nhiệm vụ “đốc thúc” sinh viên lên lớp và học tập vì sinh viên đã là người trưởng thành, phải tự có trách nhiệm với các hành vi của mình.

Chỉ một vài sự khác biệt trên đã làm thời gian học đại học, đặc biệt đối với sinh viên xa nhà và ít giao tiếp khá vất vả; nhiều sinh viên mất phương hướng trong sinh hoạt và gặp khó khăn trong học tập.

2. Một số vấn đề sinh viên năm thứ nhất thường gặp 

        Vấn đề thứ nhất, hình thức đào tạo tích lũy tín chỉ ở bậc đại học dành cho sinh viên tự đăng ký học theo lớp học phầnở khung giờ phù hợp với sinh viên và tùy chọn giảng viên. Thường là sinh viên chưa có kinh nghiệm nên đăng ký học nhiều học phần, nhiều tín chỉ trong một học kỳ nên quá sức, học nhồi nhét và choáng ngợp trước lượng kiến thức quá lớn mà khả năng thực hiện có hạn. 

        Vấn đề thứ hai, khi còn ở bậc THPT, học sinh được giáo viên phân tích kiến thức cụ thể môn học, có bài tập về nhà và có thời gian để giải đáp thắc mắc, giải đáp câu hỏi. Ở bậc đại học, sinh viên phải tự học khoảng hơn 70% thời gian. Nghĩa là phải tự tất cả mọi thứ, từ tiếp thu bài giảng, lựa chọn kiến thức trong bài, giảng viên chỉ giảng kiến thức và định hướng tìm học liệu. Và tất cả những gì sinh viên có chỉ là bài giảng trên lớp và mênh mông học liệu, trong đó có cuốn giáo trình. Nếu có thắc mắc, sinh viên phải tự tìm hiểu hoặc gặp bạn học, giảng viên/chủ nhiệm bộ môn để được hướng dẫn thêm.

        Vấn đề thứ ba, áp lực học tập là rất lớn. Kiến thức ở bậc đại học vô cùng nhiều với các học phần mới, có tính trừu tượng, khái quát tổng hợp cao. Ví dụ, học phần lý luận chính trị, lôgic hình thức, toán cao cấp … chúng là các học phần học sinh chưa hình dung được đối tượng nghiên cứu khi còn học THPT. Do vậy, sinh viên phải xây dựng phương pháp học tập hiệu quả ngay từ đầu học kỳ I nếu không muốn bị ngợp trước chúng.

        Vấn đề thứ tư, tác động xung quanh đến sinh hoạt và học tập của sinh viên, đặc biệt là với sinh viên xa nhà: tham gia câu lạc bộ, đội nhóm, tự chủ cuộc sống tự chăm lo cho bản thân, nhớ nhà, vấn đề tài chính, bạn cùng lớp, cùng phòng trọ … có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và do đó cũng ảnh hưởng lên kết quả học tập của sinh viên. 

Những vấn đề trên đây, cùng với các vấn đề khác chưa nhắc tới, có ảnh hưởng lớn lên kết quả học tập của sinh viên. Để điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với điều kiện mới và giữ được phong độ học tập trên con đường chinh phục mục tiêu; chúng tôi gợi ý sinh viên xây dựng phương pháp học đại học ngay từ học kỳ I, năm thứ nhất như sau: 

3. Gợi ý xây dựng phương pháp học tập hiệu quả ở bậc đại học

        Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu học tập cụ thể. Trả lời được câu hỏi tại sao chọn học ngành này là sinh viên đã xác định được mục tiêu để xây dựng phương pháp học tập hiệu quả. Ngay từ khi bước vào những ngày tháng đầu tiên của bậc đại học, hãy tự đặt mục tiêu cho mình cho dù đó mới chỉ là giải quyết vấn đề thường nhật như: không nợ môn, phấn đấu môn này đạt bao nhiêu điểm, học kỳ này học thêm được kỹ năng nào, tham gia được chương trình gì… 

        Thứ hai, giảm bớt áp lực học tập bằng cách chọn các học phần phù hợp, có số tín chỉ vừa phải. Học kỳ I chỉ nên chọn 15-17 tín chỉ cho 15 tuần học, 03 tuần ôn tập và thi. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (8 - 12 ngày) sẽ là thời gian dùng để thư giãn, điều chỉnh và bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng sống nhằm tự cân bằng giữa việc học và việc chơi. Xây dựng kế hoạch từng ngày cụ thể và chọn mục tiêu rõ ràng cho từng công việc trong ngày giúp sinh viên chủ động giải quyết công việc tốt hơn. 

        Thứ ba, trân trọng từng tiết học, nắm được nội dung cốt lõi, cơ bản của bài giảng ngay trên giảng đường. Giảng viên là người định hướng và giảng dạy, truyền cảm hứng cho sinh viên nắm chắc kiến thức nhưng không phải mọi sinh viên đều tiếp thu và ghi chép như nhau. Mỗi tiết giảng là một phần kiến thức của học phần mà dù muốn hay không sinh viên phải có mới mong được tốt nghiệp. Tuy nhiên, giảng viên chỉ có thể cung cấp được những ý chính, điểm mấu chốt về nội dung. Việc hiểu, nắm kiến thức được ít hay nhiều, chậm hay nhanh phụ thuộc vào việc sinh viên đã xây dựng và áp dụng được phương pháp học tập phù hợp nhất. Muốn vậy phải biết khả năng học tập của bản thân, đúc kết cách khiến mình hứng thú và tiếp thu nhanh để áp dụng. Có thể lúc đầu tìm chưa ra phương pháp phù hợp, nhưng kiên trì và chấp nhận sự thay đổi sẽ có kết quả khả quan.

 

 

        Thứ tư, có đủ giáo trình và tài liệu tham khảo giúp tiếp thu và ghi nhớ kiến thức trở nên bớt khó khăn hơn. Bộ não không thể ghi nhớ hết tất cả những gì giảng viên truyền đạt trong tiết học 50 phút, buổi học 250 phút. Giáo trình là nơi có đầy đủ, tổng hợp toàn bộ kiến thức mà sinh viên cần và là trợ thủ đắc lực khi ôn tập trước mỗi kỳ thi. Khi nghe giảng, sinh viên cần đánh dấu nội dung và nghiên cứu kỹ hơn sau mỗi giờ học. Cách học này giúp não bộ ghi nhớ lâu hơn, quá trình ôn tập về sau cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian và công sức. Tài liệu tham khảo là vô cùng cần thiết; nó làm rõ hơn nội dung vấn đề nghiên cứu, chỉ ra cách tiếp cận vấn đề theo hướng khác, giúp sinh viên biết rằng kiến thức là vô tận, tìm hiểu nghiên cứu đến đâu thì cũng sẽ vẫn còn nhiều điều thú vị.

        Thứ năm, phân chia thời gian cho từng học phần trong và ngoài giờ lên lớp. Sinh viên có thời gian học tập sít sao nhưng vẫn có thời gian trống tiết. Đây sẽ là cơ hội để tự học, học nhóm hoặc tham gia hoạt động phong trào. Nếu biết cách sắp xếp thời gian theo trình tự rõ ràng như: thời gian học tập trên lớp, thời gian tự học, thời gian học nhóm, tham gia hoạt động, thư giãn, thời gian làm thêm cho những ai muốn trải nghiệm, lấy thêm kinh nghiệm và trang trải cuộc sống sẽ giúp sinh viên năng động hơn, làm được nhiều việc hơn.  

        Thứ sáu, hình thành thói quen tự học. Tự học là yếu tố quan trọng trong phương pháp học đại học. Muốn có thói quen này thì phải rèn luyện, thậm chí là quyết tâm rèn luyện mới có. Để tự học có hiệu quả, cần xác định được thời gian mà bản thân có thể tập trung cao độ nhất, đâu là địa điểm giúp nâng cao hứng thú học tập và phải có khả năng tự lọc nội dung, tự chọn lựa sách để học. Kiến thức ở bậc đại học rất nhiều, lại tập trung thành khối nên sinh viên cần bắt đầu bài học bằng cách trước khi lên lớp, sinh viên đã phải tích cực chuẩn bị bài, viết ra những điều chưa hiểu, nghe giảng bài tại giảng đường, và sau khi nghe giảng tiếp tục ôn bài. Điều này vừa giúp việc học trên lớp thoải mái hơn, trao đổi với bạn bè tích cực hơn, vừa có tác dụng cải thiện tâm lý, tự giác đưa bản thân vào trạng thái chủ động và sáng tạo hơn. 

        Thứ bảy, bạn học là người đồng hành đắc lực nhất. Học cùng bạn bè là một trong những yếu tố tạo nên phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên. Người đồng trang lứa dễ dàng trò chuyện, kết bạn và trao đổi cùng nhau nhiều thứ, trong đó có chí hướng, mục tiêu học tập. Từ đó có thể cùng nhau đi qua những tháng ngày đại học đầy kỷ niệm. Có bạn đồng hành sẽ có được kỹ năng làm việc nhóm và cách ứng xử.

4. Kết luận

        Chỉ có phương pháp chung nhất mới có thể áp dụng hiệu quả cho mọi mục tiêu sau khi đã được cá biệt hóa, cụ thể hóa vào mục tiêu trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, thành công của việc cá biệt hóa, cụ thể hóa phương pháp chung nhất còn phụ thuộc khá nhiều vào năng lực từng người. Các gợi ý trên đây chỉ có tính định hướng sinh viên trong quá trình xây dựng phương pháp học đại học cho từng cá nhân. Trân trọng giới thiệu với sinh viên K28 (2023-2027) Trường Đại học Đông Đô.

          Bài viết có sử dụng ý tưởng của các đồng nghiệp./.

        

Câu hỏi. Phương pháp học trên lớp phương pháp tự học là gì. Vai trò của chúng trong quá trình thu nhận kiến thức và khám phá tri thức mới trong quá trình học tập của sinh viên?