Quay lại
Tiếp theo

Thứ hai, 09/09/2024 | 04:46 GMT+7


Trao học bổng hơn 400 triệu đồng cho 3 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, diện chính sách đặc biệt

Thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và lời kêu gọi "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/9/2024, Trường Đại học Đông Đô thực hiện trao Học bổng hơn 400 triệu đồng cho 3 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách đặc biệt. Đây là một quyết định mang tính nhân văn cao, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà trường đối với những sinh viên kém may mắn trong cuộc sống, giúp các em có thêm cơ hội theo đuổi con đường học vấn và thay đổi cuộc đời. 

Trường Đại học Đông Đô thực hiện trao Học bổng hơn 400 triệu đồng cho 3 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách đặc biệt

Nhận được thông tin từ TS. Bàn Tuấn Năng - Viện Văn hóa và Phát triển thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban đại diện của cộng đồng người Dao Việt Nam và nhà báo Hương Hồng thuộc báo Dân Trí, Trường Đại học Đông Đô đã biết về hoàn cảnh của ba sinh viên mong muốn đăng ký theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban lãnh đạo nhà trường đã khẩn trương tổ chức cuộc họp và ra quyết định hỗ trợ 100% học phí trong 4 năm học cho cả ba bạn gồm Bàn Phúc Chương (SN 2006, trú tại Hoa Thám, Nguyên Bình, Cao Bằng), Đặng Thị Phương (SN 2006, trú tại Thông Nguyên, Hoàng Su Phì, Hà Giang), và Lại Thế Hoàng Tùng (SN 2006, trú tại Tân Ninh, Ý Yên, Nam Định). Trong đó, bạn Đặng Thị Phương và Lại Thế Hoàng Tùng sẽ được hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá, riêng bạn Đặng Thị Phương sẽ được nhận hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Tổng giá trị Học bổng là 444 triệu đồng.

3 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ trái qua phải là em Lại Thế Hoàng Tùng, Đặng Thị Phương, Bàn Phúc Chương (ngoài cùng)

Hoàn cảnh đặc biệt của ba sinh viên

Trong ba sinh viên nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, mỗi em đều mang trong mình câu chuyện riêng đầy xúc động về hoàn cảnh gia đình và cuộc sống.

Đầu tiên là em Đặng Thị Phương, người dân tộc Dao, bị khuyết tật tay trái bẩm sinh (không có bàn tay trái). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, Phương phải đối mặt với nhiều thử thách từ nhỏ. Khi em mới 8 tuổi, do cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ em đã ly hôn, và Phương sống cùng mẹ. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Mẹ Phương sau đó tái hôn, nhưng không may, năm Phương học lớp 11, dượng em gặp tai nạn ngã từ trên tầng 3 xuống, gần như mất đi khả năng lao động, và gia đình chìm trong nợ nần chồng chất. 

Đặng Thị Phương, SN 2006, trú tại Thông Nguyên, Hoàng Su Phì, Hà Giang

Tưởng chừng giấc mơ học tập của Phương đã khép lại, nhưng mẹ em quyết tâm làm mọi thứ để em có thể tiếp tục đi học, với hy vọng một ngày đứa con của mình sẽ không con phải sống một cuộc đời khó khăn và cơ cực như mình. 

Khi lên Hà Nội nhập học, hành trang của em chỉ vỏn vẹn 500 nghìn đồng, nhưng trong lòng Phương chứa đựng bao hoài bão và quyết tâm thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Cầm tờ giấy đăng ký vào trường Đại học Đông Đô và biết được rằng mình sẽ nhận được sự giúp đỡ vô cùng lớn từ nhà Trường, Phương chia sẻ: “Em thực sự rất biết ơn nhà Trường, chú Năng, cô Hồng cùng tất cả các đơn vị tổ chức đã hỗ trợ em để em có thể tiếp tục được đi học, em xin hứa sẽ nỗ lực học tập thật tốt để không phụ lòng của mẹ, cô chú và nhà trường.”

Thứ hai là em Lại Thế Hoàng Tùng sinh ra tại đất học Nam Định cũng mang trong mình căn bệnh bẩm sinh khiếm khuyết bàn tay trái, gia đình nằm trong diện hộ nghèo tại địa phương nhưng không vì thế mà em buông bỏ giấc mơ của mình. 

Lại Thế Hoàng Tùng, SN 2006, trú tại Tân Ninh, Ý Yên, Nam Định

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, là con trai cả trong nhà, ngoài giờ học em phải phụ mẹ công việc đồng áng, nhưng Tùng chưa bao giờ nản chí vì em nghĩ chỉ có học mới giúp chính mình và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo này. Vượt qua nghịch cảnh, em đã có được những thành tích vô cùng đáng nể trong học tập khi 2 năm liền lớp 11 và 12 đạt giải cao (1 giải ba và 1 giải khuyến khích) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh, được miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2024. 

Tuy vậy, gia đình vẫn không đủ điều kiện để em tiếp tục học trong 4 năm đại học, mẹ đã phải chạy vạy từng nhà họ hàng để gom góp từ vài trăm nghìn để có thể cho em theo học Cao đẳng. Thật may mắn, khi em được biết đến chương trình Nhân Ái của báo Dân Trí và đã được kết nối với trường Đại học Đông Đô, nhận được sự giúp đỡ của nhà trường cùng các đơn vị tổ chức để em có cơ hội theo học Đại học, có một tấm bằng danh giá giúp em có nhiều cơ hội việc làm. Nghe được tin mẹ em đã khóc rất nhiều và gửi lời cảm ơn đến ban lãnh đạo nhà trường, các cá nhân tổ chức đã giúp đỡ Tùng. Em chia sẻ:“Em biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ em trong hành trình này. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong đợi của mẹ, của nhà trường và của tất cả mọi người đã ủng hộ em.”

Cuối cùng là em Bàn Phúc Chương là một trong những con em của người có công với cách mạng, cụ của em là cụ Bàn Thị Chủ sinh năm 1926, người dân tộc Dao, cụ là người nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Cũng chính cụ đã cùng người dân tiếp tế đạn dược và nấu cơm cho bộ đội đánh trận Phay Khắt, Nà Ngần, làm nên chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944. cụ Bàn Thị Chủ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là Kim Sơn, tên mà cụ lấy làm bí danh khi hoạt động cách mạng tại Cao Bằng những năm kháng chiến chống Pháp. Hiện tại cụ vẫn còn sống cùng gia đình tại Cao Bằng ở tuổi 98. Với truyền thống gia đình và lòng tự hào về những đóng góp của cụ, Chương luôn nỗ lực học tập và mong muốn trở thành người có ích cho xã hội.

Bàn Phúc Chương, SN 2006, trú tại Hoa Thám, Nguyên Bình, Cao Bằng

Chính sách học phí và quỹ khuyến học khuyến tài tại Trường Đại học Đông Đô

Chính sách miễn giảm học phí và quỹ khuyến học khuyến tài của Trường Đại học Đông Đô đã được xây dựng với mục đích hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện chính sách. Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trịnh Hữu Tuấn, chia sẻ: “Chính sách này không chỉ dựa trên nguồn lực của nhà trường mà còn từ các đơn vị tổ chức và các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự hỗ trợ này, các em sẽ có cơ hội học tập, phát triển, vượt lên hoàn cảnh khó khăn và trở thành người có ích cho xã hội.”

Đại học Đông Đô luôn chú trọng xây dựng một môi trường học tập thân thiện, cởi mở, và quan tâm đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường đã và đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, từ miễn giảm học phí đến cấp học bổng, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt có thể học tập và phát triển.

Một vài hình ảnh trong ngày nộp hồ sơ nhập học của 3 em: