Thứ tư, 20/06/2018 | 10:56 GMT+7
Những yếu tố giúp định hướng tương lai
Tư vấn hướng nghiệp là một hoạt động rất quan trọng, nhằm giúp học sinh, sinh viên có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân. Tuy nhiên công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tư vấn giúp các em có sự định hướng đúng đắn cho tương lai.
Trong bài phỏng vấn này, TS Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, chỉ ra những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả tư vấn hướng nghiệp, đồng thời đưa ra những lời khuyên giúp các bạn học sinh, sinh viên có sự định hướng đúng đắn cho một tương lai vững chắc.
TS Dương Văn Hòa đưa ra những lời khuyên hướng nghiệp
giúp các bạn học sinh, sinh viên có sự định hướng đúng đắn cho một tương lai vững chắc.
Vai trò của công tác hướng nghiệp
PV: Thưa tiến sĩ, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp PTTH có ý nghĩa như thế nào?
TS Dương Văn Hòa: Tốt nghiệp PTTH là thời điểm các em đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, và sự lựa chọn tương lai của các em tại thời điểm này vô cùng ý nghĩa. Lựa chọn đúng đắn, các em sẽ có một tương lai vững chắc; lựa chọn sai lầm các em có thể phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc và sự nỗ lực.
Ở thời điểm này, các em thường băn khoăn sẽ đăng ký học ngành gì, ngành đó học gì, ra trường có dễ xin việc không, công việc là làm những gì và làm ở đâu? Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các em giải đáp những băn khoăn, thắc mắc này, để các em có sự lựa chọn hợp lý.
PV: Việc tuyên truyền hướng nghiệp cho các em ngày càng được xã hội quan tâm, và các thông tin tư vấn cũng khá phổ biến; tuy nhiên, lại chưa thực sự hiệu quả. TS nghĩ sao về điều này?
TS Dương Văn Hòa: Đúng là công tác hướng nghiệp trong nhà trường nhiều năm nay được chú ý hơn và đã có những thay đổi nhất định; tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hiểu biết nói chung của các em học sinh về nghề nghiệp cũng như thị trường lao động vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, các em bị ảnh hưởng rất nhiều bởi truyền thông. Truyền thông nói nhiều, nhưng lại đang khai thác ở một số mảng nhất định như thị trường lao động, việc làm. Rất ít hoạt động giúp cho thí sinh khám phá được năng lực, sở trường hay sự chuyên sâu hơn về từng lĩnh vực nghề nghiệp, vị trí việc làm khi ra trường. Những điều này dẫn đến tình trạng các em học sinh chỉ quan tâm và hỏi rất nhiều thông tin về nghề mà sau này ra trường có dễ xin việc làm hay không. Trong khi đó, điều quan trọng hơn trong công tác hướng nghiệp là cần cho các em biết được nghề đó phù hợp nhất với những ai? Hay các em có tố chất gì để phù hợp với nghề đó? Môi trường gia đình, địa phương và xã hội của các em có thuận lợi cho em khi lựa chọn nghề đó hay không?...
4 vấn đề lớn cần xác định
PV: Nói như vậy thì các thông tin tư vấn hướng nghiệp hiện nay còn mông lung quá đối với các em. Vậy TS có lời khuyên nào cho các em học sinh PTTH khi đưa ra quyết định lựa chọn tương lai?
TS Dương Văn Hòa: Để có sự đinh hướng nghề nghiệp tương lai một cách rõ ràng, các em học sinh PTTH cần phải xác định được 4 vấn đề lớn sau đây:
Thứ nhất là niềm đam mê, sở thích của mình về những ngành, nghề đào tạo. Bởi vì những ngành nghề đó sẽ quyết định sự theo đuổi lâu dài của các em. Nếu chúng ta chỉ định hướng vào trường, nghĩ rằng trường tốp trên, trường danh tiếng là thành công, hay cứ đi du học là dễ xin việc thì đó chỉ là sự ngộ nhận. Vấn đề chính là công việc đó, lĩnh vực đó, chuyên ngành đó có phát huy được tố chất của mình hay không, có đảm bảo được sự đam mê của mình lâu dài hay không, vì chỉ có đam mê thì các em mới có thể thành công rực rỡ được.
Thứ hai, sau khi các em chọn được nghề mà các em đam mê rồi thì hãy chọn ra ngành nào là ngành các em mong muốn theo đuổi, thậm chí trong nhiều trường hợp phải chọn ngành trước vì liên quan đến nghề. Khi chọn ngành, điều quan trọng nhất ngành đó có phải ngành mang tính chuyên sâu hay không. Ngành càng chuyên sâu bao nhiêu thì cơ hội xin việc khó hơn bấy nhiêu, chuyển đổi nghề nghiệp phức tạp bấy nhiêu. Còn ngành mà quá rộng làm gì cũng được thì sau này không biết mình làm cái gì. Chính vì vậy nên chọn ngành có sự đảm bảo vừa có tính chuyên ngành nhưng đồng thời cũng vừa có độ mở để chuyển đổi giữa nghề này sang nghề khác dễ dàng.
Thứ ba, về chọn trường, chúng ta có rất nhiều trường đại học khác nhau, nhiều chuyên ngành khác nhau nên rất khó khăn để chọn lựa. Các em học sinh hãy lựa chọn những trường phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của bản thân, những chuyên ngành mình chọn thuộc diện đặc sắc nhất và là thế mạnh của trường đó, vì như thế trường có kinh nghiệm, năng lực đào tạo sẽ tốt hơn và phù hợp với các em.
Ngoài ra, cũng nên chọn trường có điều kiện để trải nghiệm nghề nghiệp (thông qua thực hành, thực tập, thực tế). Có như vậy các em mới có thể hoàn thiện các kỹ năng làm việc thực tế ngay từ khi còn đang học tại trường, ra trường các em sẽ có lợi thế và không bị bỡ ngỡ với công việc thực tế.
Hơn nữa, nhiều em khi học trong trường đại học rồi các em học sinh mới phát hiện ra rằng mình có hợp hay không hợp với công việc đó. Lúc đó, nếu học tập ở những trường đào tạo theo hướng bằng cấp song bằng, hoặc cơ hội học theo tín chỉ sẽ giúp các em có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp ngay trong trường học một cách dễ dàng hơn.
Yếu tố thứ tư cũng không kém phần quan trọng - đó là các em phải xác định nơi học tập, tất nhiên cũng tùy thuộc vào tài chính, tùy thuộc văn hóa thì có thể lựa chọn khu vực học tập khác nhau. Ví dụ gia đình khó khăn, điều kiện học tập không nhiều thì có thể chọn những trường chi phí học tập thấp (thường là những trường đại học vùng, ở địa phương). Tuy nhiên, các em cũng cần cân nhắc nếu chọn trường ở xa như thành phố Hà Nội, các em sẽ năng động hơn, đi làm thêm vẫn có thể trang trải chi phí học tập và có thể tiếp cận tốt với môi trường làm việc đầy tiềm năng và hiện đại của thành phố lớn.
Chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp
PV: Thưa TS, có thực tế là nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không có kỹ năng nghề nghiệp, bỡ ngỡ khi bước vào nghề. TS có lời khuyên nào cho sinh viên phát triển định hướng nghề nghiệp một cách vững vàng, theo hướng vận dụng thực tế để có thể bắt nhịp ngay với công việc khi ra trường?
TS Dương Văn Hòa: Nhiều thí sinh hiện nay khi lựa chọn trường chủ yếu tập trung vào các trường top trên, không chú ý đến các trường đại học top dưới là cũng không thật chính xác. Hiện nay nếu nói về thị trường lao động thì những lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, quản lý lại tuyển dụng rất ít, trong khi tuyển dụng những người làm việc thực tế, làm việc trực tiếp rất nhiều. Tất nhiên, tâm lý chung ai cũng muốn chọn cho mình những công việc nhẹ nhàng, không mất nhiều sức mà thu nhập cao. Nhưng các em không hiểu rằng muốn làm công việc quản lý, công việc nhẹ nhàng thì trước hết phải biết cách làm những công việc trực tiếp. Do vậy việc chọn trường top, theo trào lưu cũng chưa hẳn sẽ giúp cho các em có kỹ năng nghề nghiệp tốt nhất và phù hợp với mong muốn nghề nghiệp của các em sau này.
Để giải quyết vấn đề này, trường Đại học Đông Đô luôn luôn chú trọng đến công tác đào tạo theo định hướng thực hành, đào tạo cầm tay chỉ việc, đào tạo để các em có nghề. Học tại trường Đại học Đông Đô sinh viên được hỗ trợ việc làm trong khi học và sau khi ra trường, ngoài ra sinh viên có cơ hội đi thực tập hưởng lương như nhân viên tại các công ty lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây chính là những cơ hội giúp sinh viên trải nghiệm thực tế và có kỹ năng nghề nghiệp, để khi ra trường không bị bỡ ngỡ, xa lạ với công việc.
Có thể nói, bên cạnh việc chọn trường cần căn cứ vào trường đó có đào tạo nghề mà các em đam mê hay không, có phù hợp với tố chất, năng lực bản thân các em không, thì yếu tố nhà trường có thực sự đem lại những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho các em tiếp cận tốt nhất với thị trường lao động hay không cũng rất quan trọng. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời chúc các em hãy luôn cân nhắc thật kỹ đối với việc lựa chọn nghề nghiệp trước ngưỡng vào đời.
PV: Vâng, xin cảm ơn TS vì những tư vấn hữu ích dành cho các em học sinh. Mong rằng với những lời khuyên này của TS, các em học sinh của chúng ta sẽ có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.