Quay lại
Tiếp theo

Thứ sáu, 22/06/2018 | 03:56 GMT+7


Khởi nghiệp sinh viên: Lựa chọn để không ảnh hưởng đến học tập

Có nên ủng hộ sinh viên khởi nghiệp khi còn ngồi ghế nhà trường? Làm thế nào để các dự án khởi nghiệp của sinh viên mang lại hiệu quả cao? Vai trò của báo chí đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp? – TS Trần Khắc Hùng – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đông Đô có một số chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Hiện nay phong trào khởi nghiệp ở trong nước đang phát triển rất mạnh và lan rộng vào các trường học. Nhiều sinh viên đã khởi nghiệp thành công khi đang ngồi ghế nhà trường nhưng ngược lại cũng rất nhiều em “quay đi mắc củi, quay lại mắc sông”. Theo tiến sĩ chúng ta có nên ủng hộ sinh viên khởi nghiệp khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường?

“Thất bại là mẹ của thành công” câu này được người Nhật Bản nói rất nhiều để có ý chí đứng dậy sau khi vấp ngã, coi việc đó là đương nhiên chứ không kêu ca phàn nàn. Vì vậy tôi cho rằng, sinh viên nên khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, khi đang đi học thì nên chọn công việc phù hợp để không ảnh hưởng đến học tập. Ví dụ có những dự án Startup đi vào lịch sử của nhân loại như Facebook và Microsoft...cả hai ông chủ đều khởi nghiệp khi đang là sinh viên và từ những đồng đô la ít ỏi ban đầu.

Theo Tiến sĩ, làm thế nào để các dự án khởi nghiệp của sinh viên mang lại hiệu quả cao?

Được sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách, phong trào khởi nghiệp đang phát triển rất tốt. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã tạo môi trường để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Trước đây, Việt Nam hầu như chưa có, chưa biết, chưa tạo được hành lang pháp lý để các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào. Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Men – toring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.

Đối với học sinh, sinh viên, mỗi năm Vietnam Silicon Valley có những khóa huấn luyện tập trung, tổ chức thúc đẩy kinh doanh bao gồm những doanh nhân đã thành đạt. Họ bỏ ra một khoản tiền, được gọi là nhà đầu tư thiên thần. Họ có kiến thức về đầu tư cho khởi nghiệp và kiến thức cố vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể thay thế mô hình kinh doanh đã có trên thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều khó khăn, một số chính sách thay đổi còn chậm, còn nhiều vấn đề đặt ra. Chúng ta bình tĩnh để giải quyết từng vấn đề một. Những chính sách mới ban hành hay sửa đổi đều nhằm mục đích tạo ra môi trường kinh doanh khởi nghiệp thuận lợi nhất cho các bạn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Chính phủ chấn hưng các mặt, đặc biệt là chấn hưng giáo dục, coi khoa học công nghệ và giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, với môi trường như thế, tôi đề nghị Đoàn Thanh niên, Bộ, ngành, doanh nghiệp đồng hành với chương trình khởi nghiệp của sinh viên”

Từng đi du học ở Nhật Bản, tiến sĩ có thể chia sẻ với các bạn sinh viên Việt Nam kỹ năng khởi nghiệp mà các bạn sinh viên Nhật Bản đã ứng dụng. Để thành công trên con đường khởi nghiệp sinh viên Việt Nam cần phải làm gì?

Sinh viên Nhật Bản trước khi vào học mội môi trường nào đó, có thể là đại học, cao đẳng hay trường nghề...họ đều có ý thức là sau khi ra trường sẽ làm gì và làm ở đâu. Đa số học sinh Nhật học những chuyên ngành và ngành nghề họ yêu thích. Sau khi ra trường họ sẽ làm thuê cho một công ty nào đó. Khi có kinh nghiệm đủ “chín” họ mới mở công ty riêng để khởi nghiệp.

Tôi nghĩ, không chỉ sinh viên mà các bạn trẻ, những ai có ước mơ, hoài bão, muốn trở thành người thành danh trong nghề nghiệp hay chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, muốn cống hiến cho xa hội trí lực thì phải cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn để phát triển ngay khi còn ngồi ở giảng đường.

Theo tiến sĩ, sinh viên nên tập trung vào những lĩnh vực nào để khởi nghiệp thì dễ thành công?

Đối với khởi nghiệp, mỗi lĩnh vực đều là một miếng bánh to nhỏ khác nhau. Một người kinh doanh vàng chưa hẳn lợi nhuận hơn người kinh doanh phân bón. Quan trọng là người khởi nghiệp phải nhìn được miếng bánh đó còn bao nhiêu phần trăm thị phần.

Khởi nghiệp đôi khi chỉ là thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hoặc có thể là một ý tưởng giải quyết bài toán xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế... Quan trọng là bạn chọn đúng sở trường, sở đoản. Nếu chọn sai, dù bạn cố gắng làm tốt hơn kế hoạch nhưng kết quả mang lại không cao.

Trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, theo tôi các bạn nên chọn những dự án công nghệ cao. Ví dụ như Blockchain. Các bạn hoàn toàn làm chủ tương lai nếu dám suy nghĩ, dám làm và quan trọng là phải hiểu đúng về khởi nghiệp.

Trường Đại học Đông Đô đã làm gì để giúp sinh viên của mình khởi nghiệp

Trường Đại học Đông Đô đã xây dựng những con đường cụ thể cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên có thể chọn con đường nào mà các em yêu thích. Ví dụ : 2+1+1. Theo đó, sinh viên học hai năm sau đó sang Nhật thực tập một năm rồi về trường học và làm luận án tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp các em có thể chọn tiếp tục sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư hay cử nhân hoặc có thể làm cho các công ty Nhật tại Việt Nam.

Theo tiến sĩ, báo chí có vai trò như thế nào đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Báo chí có vai trò rất lớn cho sự phát triển của nhân loại, mang mọi thứ trên thế giới xích lại gần nhau. Báo chí làm cho mọi thứ được minh bạch hơn. Thông tin là nguyên liệu của tri thức. Tri thức là nguyên liệu của khởi nghiệp. Mà thông tin có được một phần do các nhà báo mang lại.

Các nhà khởi nghiệp nếu biết cách chắt lọc thông tin từ báo chí sẽ chọn cho mình một dự án tốt, dễ thành công.

Để hiểu đúng về khởi nghiệp:

Thứ nhất, những người có ước mơ khởi nghiệp mang trong mình hoài bão và sứ mệnh muốn phát huy tốt nhất mọi tiềm năng bản thân cống hiến cho xã hội, được xa hội thừa nhận.

Thứ hai, thước đo và mục tiêu cuối cùng của khởi nghiệp không chỉ là lợi nhuận. Giá trị nhận được của khởi nghiệp không chỉ là con số tài chính . Đó còn là sự trải nghiệm, sự rèn luyện kỹ năng của nhận thức và giá trị bản thân. Vì vậy nếu một ý tưởng khởi nghiệp nào đó không thành công cũng không nên coi đó là thất bại.

Thứ ba, sinh viên, các thanh niên nông thôn, doanh nhân trẻ hầu hết là thế hệ 9X, 8X. Nhiều bạn trẻ muốn bước chân trên con đường khởi nghiệp phải dám sống đến cùng, thực hiện đến cùng những đam mê đó. Muốn đam mê bạn phải biết vượt qua thách thức.

Cám ơn Tiến sĩ về những chia sẻ đầy tâm huyết!

Theo Phương Uyên (Tuổi trẻ Thủ Đô)